Ngày 07 tháng 6 năm 2025, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên (TNUS) vinh dự đón tiếp Đoàn công tác của Đại học KU Leuven, Vương quốc Bỉ, trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Dẫn đầu đoàn là Giáo sư Tiến sĩ Ewald Janssens – Phó Trưởng khoa Vật lý và Thiên văn, KU Leuven, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Vật lý Bỉ, đồng thời là Chủ nhiệm các dự án hợp tác quốc tế tiêu biểu giữa KU Leuven và Trường Đại học Quy Nhơn. Tham dự cùng đoàn còn có GS. Nguyễn Thanh Tùng – Phó viện trưởng Viện Khoa học vật liệu – Viện Hàn Lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.
Với hơn 10 năm hợp tác bền vững cùng Trường Đại học Quy Nhơn, Giáo sư Ewald đã góp phần triển khai thành công 03 dự án quốc tế có tổng giá trị lên tới vài triệu Euro, được tài trợ thông qua các chương trình lớn như VLIR-UOS, FWO và Erasmus+. Những dự án này không chỉ mang lại giá trị học thuật mà còn góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo, và chuyển giao công nghệ cho các đối tác tại Việt Nam.
Trong chuyến làm việc lần này, Giáo sư Ewald khẳng định cam kết hỗ trợ và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa TNUS và KU Leuven, với các nội dung trọng tâm như:
- Phối hợp xây dựng các dự án nghiên cứu khoa học liên ngành trong các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học và Môi trường;
- Hỗ trợ TNUS trong việc phát triển chương trình đào tạo tiên tiến, tiệm cận chuẩn quốc tế;
- Tư vấn xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu – đào tạo, gắn với thực tiễn phát triển địa phương.
Đặc biệt, trong bối cảnh TNUS đóng vai trò là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm tại khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại các địa phương còn nhiều khó khăn, thông qua các nguồn lực quốc tế hóa và kết nối học thuật sâu rộng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học khẳng định: "Việc thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với KU Leuven – một trong những đại học nghiên cứu hàng đầu châu Âu – sẽ mở ra nhiều cơ hội quý báu cho cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường trong việc nâng cao năng lực, tiếp cận tri thức và công nghệ mới, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh phát triển khoa học và phụng sự cộng đồng."
Trong buổi sáng cùng ngày Đoàn công tác của Đại học KU Leuven, Vương quốc Bỉ đã đến thăm quan phòng thí nghiệm của trường Đại học TNUS và có buổi trao đổi với Ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo và giảng viên các đơn vị Viện Khoa học và công nghệ, Khoa học tự nhiên & công nghệ và Môi trường.
Trong khuôn khổ chương trình tiếp đón và làm việc với Đoàn công tác đến từ Đại học KU Leuven, Tiến sĩ Trưởng A Tài – đại diện Khoa Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên (TNUS) đã có phần giới thiệu tổng quan về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tiềm lực phòng thí nghiệm của Khoa với các đối tác quốc tế.
TS. A Tài nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, với định hướng phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu gắn với thực tiễn, Trường Đại học Khoa học – ĐH Thái Nguyên nói chung và Khoa Khoa học Tự nhiên và Công nghệ nói riêng đã không ngừng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Hiện nay, Khoa đang vận hành một hệ thống phòng thí nghiệm chuyên sâu, bao gồm:
- Phòng thí nghiệm Hóa phân tích – Hóa môi trường: Có đầy đủ máy quang phổ UV-Vis, AAS, sắc ký khí khối phổ GC/MS, máy đo TOC, hệ thống phân tích các chất hữu cơ – vô cơ trong môi trường nước, đất, không khí, Máy nhiễu xạ tia X (XRD – X-ray Diffraction); Máy đo phổ UV-Vis – IR
- Phòng thí nghiệm Sinh học – Vi sinh: Trang bị tủ cấy vô trùng, nồi hấp tiệt trùng, máy ly tâm lạnh và nhiều thiết bị phục vụ nghiên cứu công nghệ sinh học môi trường, vi sinh ứng dụng.
Sự đồng hành và hỗ trợ từ Giáo sư Ewald cùng Đại học KU Leuven hứa hẹn sẽ là một bước tiến quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của TNUS, mở rộng mạng lưới hợp tác học thuật hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế và chất lượng đào tạo – nghiên cứu của nhà trường trong giai đoạn mới.